Welcome to diepit.tk---> Hãy cùng khám phá---> Để-> Cùng nhau thành công & Cùng nhau tận hưởng

Nhiều trường phản đối dự kiến bỏ thi CĐ


(Dân trí) - Tôi không đồng ý với chủ trương này; lý do đưa ra chưa thuyết phục; Bộ GD-ĐT cẩn thận không lại sa vào “Đẽo cày giữa đường”… Đó là ý kiến của các trường về chủ trương của Bộ GD-ĐT vừa đưa ra về dự kiến bỏ thi Cao đẳng từ năm 2009.
>> Lấy ý kiến bỏ thi Cao đẳng từ 2009


Công tác tuyển sinh luôn là áp lực đau đầu với các trường. (Ảnh: Việt Hưng)


Theo công văn của Bộ GD-ĐT, để nâng cao chất lượng tuyển chọn
vào các trường CĐ, kỳ thi tuyển sinh năm sau Bộ chủ trương tất cả các trường CĐ không tổ chức thi tuyển sinh, mà chỉ xét tuyển trên cơ sở kết quả thi ĐH của thí sinh theo đề thi chung của Bộ, có cùng khối thi.

Ông Vũ Thanh Chương, Hiệu trưởng trường CĐ Công nghiệp Sao Đỏ không nhất trí với cách làm này của Bộ. Ông cho biết: “Có tổ chức thi thì các trường mới tìm được những thí sinh yêu thích trường mình, nếu lấy từ đại học xuống thì đây là những thí sinh “vớt”, bất đắc sĩ lắm các em mới vào cao đẳng. Không tổ chức thi sẽ tiết kiệm cho xã hội chút kinh phí, nhưng đâu có phải tất cả vì mấy đồng bạc mà làm hỏng cả chất lượng đào tạo về lâu dài được”.

“Tôi muốn Bộ cho tổ chức thi bình thường theo 2 hình thức như hiện nay (thi và xét tuyển) để các trường có cơ hội tìm được học trò yêu mến trường ngay từ đầu. Nếu bỏ thi là điều rất tiếc” - ông Chương kiến nghị.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Đắc Lạc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Tuy Hoà bày tỏ: “Ý kiến của Bộ đưa ra rất hay, gọn nhẹ, giảm chi phí nhưng hiện nay nếu như vậy thì chúng tôi phải ngồi chờ các trường ĐH thi xong mới đến lượt mình mà thời gian chờ đợi quá lâu, quá bị động. Các trường xét tuyển từ NV1 đến NV3 đến cuối tháng 11 chúng tôi mới đón được học sinh. Nếu Bộ cảm thấy bận rộn về việc này thì cứ để các trường tự tổ chức thi vì học sinh tự tin hơn khi đăng ký vào trường, trường sẽ tốt hơn trong việc tuyển sinh”.

Hiệu trưởng Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại TPHCM, Phạm Châu Thành cũng chia sẻ: “Nếu Bộ quy định thì chúng tôi chấp hành chứ ý kiến riêng của trường thì không nên bỏ thi. Vì cho thí sính có sự lựa chọn tốt hơn. Với trường tôi, lượng thí sinh năm nào đăng ký cũng lớn, từ 25.000-30.000, bây giờ không được lựa chọn lại phụ thuộc vào thông tin từ các trường đại học thì như thế chờ dài cổ chưa chắc đã xong. Nếu Bộ chỉ tính giảm ảo thì không chính xác. Ảo thì thi ĐH cũng ảo như thế mà vì lý do ảo mà bỏ là không thuyết phục”.

“Bộ cứ để thi như những năm trước, sau đó Bộ có biện pháp gì thì tuỳ như cách thức lựa chọn thí sinh cho các trường” - ông Thành kiến nghị.



Ngược lại, cũng có những ý kiến đồng tình với đề xuất của Bộ GD-ĐT. Như ông Vũ Ngọc Báo, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội chia sẻ: “Tôi đồng tình và ủng hộ chủ trương này vì tổ chức thi như hiện nay rất tốn kém và phức tạp cho chúng tôi. Năm trước chúng tôi có gần 30.000 thí sinh đăng ký dự thi nhưng số lượng có mặt chỉ khoảng 15.000. Trong khi đó, chúng tôi phải thuê hơn 1.000 cán bộ coi thi và làm nghiệp vụ thi”.

“Tuy nhiên, trước chủ trương này, Bộ GD-ĐT nên cẩn thận không lại sa vào cảnh “đẽo cày giữa đường”, hơi phức tạp” - ông Báo nói.

Còn ông Đỗ Quốc Thắng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghiệp in, thì cho rằng: “Bộ đưa ra chủ trương này chắc cũng nghiên cứu kỹ rồi mới ra. Nhưng tôi nghĩ, Bộ không nên làm vì Bộ đã có chủ trương những năm tới kết hợp “2 kỳ thi vào 1” vậy thì cần thiết bỏ kỳ thi này không? Hơn nữa, liên tục đảo lộn trong thi cử này làm cho dư luận lo lắng”!
Căng thẳng thi Đại học. (Ảnh: Việt Hưng)
Hồng Hạnh

Loading...

Đăng nhận xét

Cảm ơn các bạn đã ghé thăm blog của diepcothanh